Ngon, bổ, rẻ là những ưu điểm rất nổi bật của quả đu đủ. Đó cũng chính là lý do vì sao loại quả này lại được nhiều người yêu thích và lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ mang thai lại tỏ ra e ngại khi ăn đu đủ. Để biết bà bầu ăn đu đủ chín được không, mời chị em cùng tham khảo một số thông tin trong bài viết dưới đây.
Thành phần trong quả đu đủ
Đu đủ chín chứa tới 90% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carotenoit acid hữu cơ, vitamin: A, B, C, 0,9% chất béo, xenluloz (0,5%), canxi, photpho, magiê, sắt, thiamin, riboflavin.
Có thể bạn quan tâm:
- 6 cách trị táo bón cho bà bầu đơn giản nhưng "siêu" hiệu quả
- Bà bầu nên ăn hoa quả gì? 12 loại hoa quả tốt cho bà bầu
- Nước đậu đen rang cho bà bầu Rất tốt với lợi ích bất ngờ
Trong 100g đu đủ xanh có 74-80 mg vitamin C và 500-1.250 IU caroten. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm.
Bà bầu nên tránh sử dụng đu đủ vẫn còn có nhựa
Bà bầu nên tránh các loại nhựa có trong đu đủ chưa chín vì đối với phụ nữ có thai có thể sẽ gây ra một số vấn đề liên quan đến y tế như:
- Các chất nhựa trong đu đủ chưa chín có thể kích hoạt các cơn co thắt tử cung rõ rệt, dẫn đến chuyển dạ sớm.
- Trong đu đủ chưa chín có chứa papain mà cơ thể bạn có thể nhầm với prostaglandin đôi khi được sử dụng để gây chuyển dạ. Hợp chất này cũng có thể làm suy yếu các màng quan trọng hỗ trợ thai nhi.
- Các chất nhựa có thể thuộc một trong những nhóm chất gây dị ứng phổ biến có thể gây ra phản ứng nguy hiểm.
Một số lợi ích của đu đủ đối với sức khỏe
Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe từ quả đu đủ:
Chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa bệnh tật
Đu đủ có chứa các chất chống oxy hóa, đặc biệt là Lycopene giúp trung hòa các gốc tự do bằng cách loại bỏ lượng sắt dư thừa trong cơ thể. Một số nghiên cứu cho thấy rằng đu đủ lên men còn có khả năng giảm stress oxy hóa ở những người cao tuổi, người tiểu đường, người mắc bệnh tuyến giáp hay các bệnh lý về gan.
Chứa một số hợp chất phòng chống ung thư
Như đã nói phía trên, đu đủ có tác dụng giảm các gốc tự do trong cơ thể. Trong khi đó, các gốc tự do là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư. Vì thế, bổ sung đu đủ trong chế độ ăn cũng là một cách giúp bạn phòng tránh ung thư.
Ăn đu đủ để cải thiện sức khỏe tim mạch
Ngoài lycopene, đu đủ còn có chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác, đặc biệt là vitamin C giúp phòng tránh các bệnh về tim mạch. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, các chất chống oxy hóa trong đu đủ còn giúp hỗ trợ hoạt động của cholesterol HDL và từ đó bảo vệ sức khỏe tim mạch rất hiệu quả.
Giúp giảm viêm hiệu quả
Vì có chứa nhiều chất chống oxy hóa nên quả đu đủ có thể giúp giảm viêm khá hiệu quả. Trong khi đó, tình trạng viêm mạn tính là nguồn gốc của nhiều căn bệnh và những biến chứng nguy hiểm. Do đó bổ sung đu đủ trong chế độ ăn hàng ngày cũng là một cách bảo vệ sức khỏe của bạn.
Ăn đu đủ rất tốt cho hệ tiêu hóa
Đu đủ có chứa enzyme papain. Đây là một loại enzyme rất tốt cho hệ tiêu hóa. Trong dân gian, còn lưu truyền những bài thuốc điều trị bệnh táo bón, hội chứng ruột kích thích từ đu đủ.
Bảo vệ da khỏi tổn thương
Loại quả này cũng là một bí kíp chăm sóc da của nhiều phụ nữ. Những chất chống oxy hóa, vitamin C và lycopene trong đu đủ không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn mà còn có thể ngăn ngừa các gốc tự do, làm chậm quá trình lão hóa da, hình thành nếp nhăn và một số tổn thương khác trên da. Chính vì thế, làn da của chị em sẽ luôn tươi trẻ, săn chắc.
Bà bầu ăn đu đủ chín được không?
Với thắc mắc “bà bầu ăn đu đủ chín được không”, câu trả lời là “có”. Thậm chí, đây còn được đánh giá là loại quả rất tốt cho mẹ bầu. Nếu như đu đủ xanh có thể gây ra những vấn đề sức khỏe cho cả mẹ bầu và thai nhi, thì đu đủ chín lại hoàn toàn ngược lại. Dưới đây là những lợi ích sức khỏe mà đu đủ chín có thể mang lại cho mẹ bầu:
Tăng cường sức đề kháng cho mẹ bầu
Như đã nói phía trên, loại quả này có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, rất tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, hợp chất beta carotene (tiền chất của vitamin A) trong đu đủ có thể giúp mẹ bầu phòng ngừa một số bệnh nguy hiểm. Đu đủ cũng được đánh giá là một loại quả có hàm lượng beta caroten cao hơn rất nhiều so với các loại quả khác.
Bổ sung vitamin B cho cơ thể
Loại quả này chứa rất nhiều vitamin, đặc biệt là vitamin B. Trong đó, vitamin B1 sẽ giúp hỗ trợ quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, vitamin B2 rất tốt trong quá trình phát triển chiều cao và hệ thần kinh của thai nhi.
Cung cấp các khoáng chất
Đu đủ có chứa nhiều khoáng chất như canxi, kẽm, kali, magie,… Rất tốt để phòng ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu. Đặc biệt, việc bổ sung kali còn có thể giúp giảm nguy cơ chuột rút và cân bằng điện giải đối với mẹ bầu. Bên cạnh đó mẹ bầu cần vitamin tổng hợp cho bà bầu để tăng cường sức khỏe nhé.
Kiểm soát cân nặng
Đu đủ chín có chứa nhiều dinh dưỡng nhưng lại rất ít calo vì thế khi ăn loại quả này, mẹ bầu sẽ không phải lo ngại quá nhiều đến vấn đề cân nặng.
Hạn chế nguy cơ táo bón
Táo bón là vấn đề mà hầu hết mẹ bầu có thể gặp phải. Tuy nhiên, khi ăn đu đủ chín, mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm. Lý do là bởi trong loại quả này có chứa vitamin B và riboflavin – là những chất rất tốt cho hệ tiêu hóa và phòng tránh nguy cơ táo bón.
Bảo vệ khớp
Vitamin C trong quả đu đủ có tác dụng rất tốt trong việc bảo vệ xương khớp cho mẹ bầu. Do đó, khi bổ sung quả đu đủ, mẹ bầu sẽ hạn chế được một số triệu chứng như đau nhức khớp, đau nhức đầu gối, hông hay cảm giác tê cứng ở các khớp khuỷu tay,…
Lưu ý khi ăn đu đủ dành cho bà bầu
Tuy nhiên, để nhận được các lợi ích dinh dưỡng từ quả đu đủ, mẹ bầu cần lưu ý:
+ Không nên ăn đu đủ xanh hoặc đu đủ chưa chín hắn để tránh khiến cho tử cung bị co thắt, giảm nguy cơ sinh non, tránh biến chứng phù thũng,…
+ Không nên ăn quá nhiều vì hợp chất Beta caroten có thể là nguyên nhân khiến mẹ bầu bị vàng da. Hơn nữa ăn đu đủ nhiều có thể gây kích thích ruột, tạo áp lực cho dạ dày.
+ Mẹ bầu nên ăn đu đủ 2 đến 3 lần mỗi tuần và mỗi lần ăn chỉ nên ăn một miếng. Có thể chế biến đu đủ theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như làm sinh tố hoặc kết hợp với một số thực phẩm khác giúp món ăn thêm thú vị.
+ Khi ăn nên loại bỏ hoàn toàn hạt vì hạt đu đủ có chứa nhiều chất độc.
+ Với những trường hợp mẹ bầu bị hen suyễn hay mắc một số bệnh lý về đường hô hấp thì cần hạn chế tiêu thụ loại quả này vì hợp chất papain trong đu đủ có thể gây dị ứng, khó thở, nghẹt mũi,…
Có thể bạn quan tâm:
- Vàng da sơ sinh và những câu hỏi cần được giải đáp nhanh
- Dấu hiệu rụng trứng của cơ thể được biểu hiện như thế nào
Bà bầu ăn đu đủ chín rất tốt cho thai kỳ, tuy nhiên bạn không nên ăn nhiều quá để tránh bị phản tác dụng nhé. Ngoài ra, khi đang bị tiêu chảy, hoặc bị đường trong máu cao bạn cũng không nên ăn nhiều đu đủ chín.
Tổng hợp: mebauvabe.net