Trong tam cá nguyệt thứ hai và ba của thai kỳ, việc theo dõi cử động thai là rất quan trọng để biết được em bé có đang phát triển khỏe mạnh hay không. Đối với những mẹ bầu cảm thấy thai nhi đạp nhiều hoặc ngược lại, lo lắng là điều khó tránh khỏi.
Thai nhi đạp nhiều có sao không?
Thai nhi đạp nhiều là dấu hiệu cho thấy bé đang phát triển một cách bình thường. Ở tam cá nguyệt thứ hai cho đến đầu tam cá nguyệt thứ ba của thai kỳ, lúc này thai nhi vẫn còn nhỏ nên không gian trong tử cung đang còn khá rộng rãi đối với bé. Các bé sẽ có rất nhiều hoạt động khác nhau như nhào lộn, đấm, đá, nấc cụt… và vì vậy, mẹ sẽ cảm thấy con hoạt động thật nhiều.
Có thể bạn quan tâm:
- Phù chân khi mang thai: nguyên nhân và biện pháp cải thiện
- Làm Giấy khai sinh cho con, bố mẹ cần chuẩn bị giấy tờ gì?
- Sau sinh mổ nên ăn gì để sản phụ nhanh hồi phục sức khỏe
Mỗi bé có nhịp độ cử động riêng. Cũng giống như các bé sơ sinh, thai nhi là một cá thể hoàn toàn riêng biệt và có cách hoạt động của riêng mình. Mẹ bầu không nên so sánh kiểu cử động của bé yêu của mình với bất cứ ai khác vì điều này rất dễ tạo ra tâm lý lo lắng, hoang mang trực tiếp cho mẹ. Nếu như mẹ bầu muốn biết khi nào sinh thì có thể tìm hiểu dấu hiệu sắp sinh để xác định chuẩn hơn nhé!
Những cử động thai cũng không có mối liên hệ với tình trạng tăng động giảm chú ý trong tương lai của con yêu. Điều mẹ cần làm lúc này là cảm nhận sự tồn tại của bé, hình dung xem con thường làm gì trong tử cung và thử trò chuyện, kết nối cùng với bé.
Những thời điểm dễ theo dõi cử động thai
Hầu hết các mẹ bầu có thể cảm nhận những chuyển động đầu tiên của thai nhi ở tuần thứ 18 đến 22 của thai kỳ. Những mẹ đã từng trải qua một lần sinh con trước đó sẽ dễ dàng sớm nhận ra các cử động và dễ thấy thai nhi đạp nhiều hơn các mẹ mới mang thai lần đầu.
Khi cảm nhận thấy những chuyển động như cánh bướm đập hay tiếng lụp bụp trong bụng mình, mẹ có thể hình dung ra con đang cuộn người, nhào lộn, vung tay hay tung chân và thực hiện rất nhiều hoạt động kì lạ khác. Trong bụng mẹ, thai nhi đang bắt đầu những ngày hết sức sôi động.
Ngoài việc hoạt động như trên, thai nhi cũng ngủ khá nhiều trong ngày. Những lúc bé ngủ là lúc mẹ ít cảm nhận được các hoạt động diễn ra trong bụng. Vào một số thời điểm nhất định trong ngày, việc theo dõi cử động thai sẽ diễn ra thuận lợi hơn những lúc khác. Đó là những lúc như sau:
Khi mẹ mới ăn xong
Năng lượng của mẹ sẽ tăng lên và được chuyển một phần cho các hoạt động của thai nhi.
Khi mẹ nghỉ ngơi vào buổi tối
Khi mẹ bầu đã hoàn tất xong những công việc trong ngày, có thời gian để thư giãn cũng là lúc mẹ dễ nhận ra những cử động của bé.
Khi mẹ đang hồi hộp
Adrenalin được sinh ra cũng có tác dụng đối với các hoạt động của thai nhi. Bé trong bụng mẹ không chỉ biết thức và ngủ. Một ngày của bé sôi động hơn mẹ nghĩ rất nhiều. Ngoài việc “tập thể dục” mọi lúc mọi nơi, bé còn biết hóng chuyện và để ý những điều xung quanh.
Thực chất con yêu không có thời gian sinh hoạt cố định khi còn ở trong bụng mẹ. Bé sẽ không hoạt động vào cùng một giờ nhất định nào mỗi ngày. Do đó, có những ngày mẹ sẽ thấy con hoạt động nhiều vào buổi tối, nhưng ngày khác lại là vào buổi trưa hay sáng mà không theo một quy luật nào cả.
Tần số hoạt động của thai nhi cũng sẽ thay đổi theo từng giai đoạn. Khi thai lớn dần lên, bé không còn nhiều không gian để xoay, lộn nên mẹ có thể cảm thấy bé ít năng động hơn. Tuy nhiên, nếu việc đếm thai máy vẫn cho ra những kết quả bình thường thì có nghĩa rằng con yêu đang rất ổn.
Đặc biệt, trong những tháng cuối thai kỳ, bé ngày càng nặng hơn và khỏe hơn nên một số mẹ có thể giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì những cú đạp rất mạnh của con. Điều này hoàn toàn bình thường và là một tín hiệu đáng mừng mẹ nhé.
Thai nhi đạp như thế nào là bất thường?
Con số quan trọng nhất mà mẹ bầu cần ghi nhớ khi đếm cử động thai là số 10. Khi bắt đầu đếm cử động thai, mẹ cần ghi lại giờ và ngừng lại khi đã đếm đủ 10 cử động. Nếu trong vòng 4 giờ liên tiếp mà mẹ không đếm đủ 10 cử động thai thì nên nhờ các bác sĩ kiểm tra để chắc chắn con yêu vẫn khỏe mạnh.
Trong 4 giờ, nếu có trên 10 cử động thai thì mẹ có thể yên tâm về sức khỏe của bé.
Ở trong bụng mẹ, con luôn đạp và cựa quậy liên tục tạo ra những đợt thai máy. Theo dõi những chuyển động này của con không chỉ mang lại niềm vui cho mẹ bầu mà còn giúp mẹ biết bé có khỏe mạnh hay không?
Việc bé cử động nhiều là một tín hiệu tốt, rất đáng mừng đối với mẹ. Đây là dấu hiệu cho thấy bé đang phát triển một cách bình thường, khỏe mạnh.
Mẹ nên đếm cử động thai 2 lần/ngày, đặc biệt là sau tuần thứ 28 của thai kỳ. Càng gần ngày dự sinh, mẹ sẽ càng muốn dành nhiều thời gian hơn để theo dõi các hoạt động của bé. Những dấu hiệu như thai giảm hoạt động một cách đột ngột mẹ nên báo ngay với bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm:
- Dấu hiệu mang thai tuần đầu là gì? Mẹo phân biệt chuẩn
- Tinh trùng sống được bao lâu? Vai trò trong việc thụ thai?
Việc thai nhi đạp nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cảm nhận riêng của mẹ bầu. Nếu mẹ có nhiều thời gian để theo dõi bé hoặc mẹ có thành bụng mỏng sẽ dễ dàng cảm nhận được nhiều chuyển động của con hơn. Một số mẹ có thành bụng dày, vị trí của nhau thai trong tử cung nằm ngay dưới da vùng bụng thì sẽ khó có những cảm nhận về cử động thai hơn. Trong mọi trường hợp, kết quả khám thai vẫn là dữ liệu đáng tin cậy nhất về sức khỏe của thai nhi mẹ cần chú ý theo dõi.
Tổng hợp: mebauvabe.net