Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non nớt nên trẻ rất dễ mắc các vấn đề tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy với biểu hiện đi ngoài nhiều lần có bọt. Hiểu đúng về tiêu chảy ở trẻ sơ sinh sẽ giúp cha mẹ chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của con mình.
1. Trẻ sơ sinh đi ngoài có bọt nhiều lần là bệnh gì?
Bình thường, trẻ sơ sinh sẽ đi cầu sau mỗi lần bú mẹ. Trung bình, trẻ sẽ đi ngoài khoảng 5 – 7 lần/ngày. Phân của trẻ có màu vàng sậm, hơi sệt. Nếu trẻ đi ngoài ra phân lỏng, phân có bọt, đi ngoài nhiều lần trong ngày thì có thể là trẻ đã bị tiêu chảy.
Có thể bạn quan tâm:
- Nguyên nhân trẻ sơ sinh đi ngoài có mùi chua và nhầy
- Trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần trong ngày thì phải làm sao?
- Trẻ sơ sinh đi ngoài ra nước vàng có sao không? 4 Cách xử lý
Biểu hiện của trẻ bị tiêu chảy gồm:
- Trẻ đi ngoài nhiều hơn bình thường, đi ngoài và phải sử dụng miếng lót sơ sinh liên tục
- Trẻ bú kém
- Trẻ quấy khóc do đau bụng
- Tính chất của phân thay đổi: phân lỏng, nhiều nước, phân có bọt, phân có dịch nhầy, phân chuyển màu…
- Trẻ sốt
- Nôn, trớ
Bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có thể tự hết trong khoảng từ 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có thể diễn biến rất nhanh dẫn đến mất nước quá nhiều, gây suy thận và suy hô hấp. Do đó, cha mẹ nên chú ý theo dõi biểu hiện của trẻ. Nếu tình trạng tiêu chảy không cải thiện kèm biểu hiện sốt cao thì nên đưa trẻ đi khám ngay.
2. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tiêu chảy khi đi ngoài ở trẻ sơ sinh như: rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, dị ứng thức ăn, dị ứng với sữa, hấp thu dưỡng chất kém… Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn thì nguyên nhân gây tiêu chảy còn có thể do mẹ ăn quá nhiều thức ăn có tính nhuận tràng hoặc phản ứng của thuốc.
3. Xử lý thế nào khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?
Khi bị tiêu chảy, trẻ thường quấy khóc, bú kém, đau bụng. Đi ngoài quá nhiều khiến trẻ bị mất nước dẫn đến mệt mỏi. Trẻ sơ sinh còn rất non nớt nên cha mẹ cần theo dõi trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ khám, chẩn đoán, xác định nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị kịp thời.
Lưu ý, không tự ý cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc điều trị nào, kể cả men tiêu hóa nếu chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc cầm tiêu chảy.
4. Cách phòng tránh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng, đặc biệt là chất đề kháng giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều vi khuẩn gây hại.
Sữa mẹ được thiết kế phù hợp cho sự phát triển và giúp hệ miễn dịch của trẻ hoàn thiện. Do đó, nên cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để phòng chống tiêu chảy cũng như nhiều bệnh lý khác. Trẻ được bú sữa mẹ có tỷ lệ bị tiêu chảy ít hơn trẻ bú sữa công thức hoặc trẻ không được bú mẹ hoàn toàn.
Ngoài ra, người mẹ trong quá trình mang thai cũng nên chăm sóc thai sản tốt, tạo tiền đề sức khỏe cho trẻ, hạn chế nhiễm khuẩn trong giai đoạn chu sinh.
Có thể bạn quan tâm:
- Đau mắt đỏ là do nguyên do gì? Cách ngăn ngừa căn bệnh này
- Men tiêu hóa cho trẻ sơ sinh – Những điều cần chú ý
Trong thời gian cho con bú, đặc biệt là trong 1 – 2 tháng đầu, người mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình. Vì các thức ăn mà mẹ ăn sẽ chuyển hóa thành sữa. Người mẹ nên ăn các thức ăn lành tính như: thịt nạc, rau ngót, trứng, tôm… hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn…
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn rất non nớt, chưa hoàn thiện nên khi trẻ đi ngoài nhiều lần, với màu sắc phân bất thường thì các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, bệnh viện có chuyên khoa Nhi để các bác sĩ thăm khám, tìm ra nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Sau đó, các bác sĩ có thể chỉ định trẻ sử dụng thuốc trong một số trường hợp cần thiết, cha mẹ tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc điều trị nào, kể cả men tiêu hóa, thuốc cầm tiêu chảy để tránh tình trạng dị ứng, tương tác thuốc,…
Tổng hợp: mebauvabe.net