Bơ là thực phẩm đầu tiên mà nhiều mẹ nghĩ đến khi bắt đầu cho bé tập ăn dặm. Thế nhưng, nhiều mẹ lại hết sức băn khoăn không biết cách làm bơ cho bé ăn dặm thế nào để vừa lạ miệng vừa bổ dưỡng.
Khi nhắc đến thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng thì không thể không nhắc đến quả bơ. Bơ rất giàu dinh dưỡng với hơn 20 loại vitamin, khoáng chất như folate, kali, sắt, kẽm, vitamin A, C, E, K và vitamin nhóm B. Không những vậy, bơ còn rất mềm, ít gây dị ứng giúp bé dễ ngậm, nuốt cũng như giúp mẹ dễ dàng chế biến thành nhiều món ăn dặm ngon cho bé.
Khi nào có thể cho bé ăn bơ?
Quả bơ là thực phẩm mà bạn có thể cho bé ăn ngay khi bé bắt đầu tập ăn dặm, tức là khoảng 6 tháng. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể bé ăn sớm hơn, khoảng 4 – 5 tháng, nếu bé có các dấu hiệu sẵn sàng cho việc tập ăn dặm như:
- Kiểm soát được đầu và cổ
- Cân nặng tăng gấp đôi so với thời điểm mới sinh
- Có hành động mở miệng khi bạn ăn.
Trước khi tập cho bé ăn dặm, mẹ cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để chắc chắn bé đã sẵn sàng cho việc này. Bơ là thực phẩm tập ăn dặm rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Cách làm bơ cho bé ăn dặm đơn giản, lạ miệng
Cách chế biến bơ cho bé ăn dặm khi bé mới tập ăn
Nếu tập cho bé ăn dặm theo phương pháp truyền thống, bạn có thể làm bơ cho bé bằng cách xay hoặc nghiền nhuyễn bơ với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Cụ thể, bạn cần chuẩn bị:
- 50ml sữa mẹ hoặc sữa công thức
- 1/4 quả bơ chín
Cách làm quả bơ cho bé ăn dặm:
- Bơ chín, rửa sạch, bổ quả bơ theo chiều dọc, tách ra làm đôi, lấy 1/4 quả
- Dùng muỗng múc phần thịt bơ, cho vào máy xay nhuyễn hoặc tán nhuyễn rồi lược qua rây, sau đó thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức để bơ loãng và cho bé thưởng thức.
Cách làm bơ cho bé ăn dặm khi bé đã quen
Sau giai đoạn đầu làm quen với việc ăn bơ, khi bé được khoảng 6-10 tháng, mẹ có thể làm bơ cho bé ăn dặm bằng cách kết hợp thêm với các loại trái cây, rau củ, sữa chua… để món ăn thêm bổ dưỡng, lạ miệng.
Cách làm bơ cho bé ăn dặm kết hợp với trái cây
Để món bơ cho bé ăn dặm có mùi vị hấp dẫn, kích thích bé ăn ngon miệng, bạn có thể kết hợp bơ với một trong các loại trái cây lành tính, giàu chất xơ và vitamin như:
- Chuối
- Đào chín
- Táo
- Lê
- Kiwi
- Dứa
Cách chế biến:
- Đối với bơ, bạn sơ chế, tách hạt và múc lấy phần thịt quả bơ như hướng dẫn trên
- Đối với trái cây, tùy thuộc vào loại trái cây mà sẽ có cách sơ chế phù hợp. Với những quả mềm như chuối, đào chín, kiwi, bạn chỉ cần bóc vỏ. Còn với táo, lê, dứa, bạn bóc vỏ, cắt nhỏ phần thịt quả rồi nấu mềm
- Sau khi đã sơ chế xong, cho bơ và trái cây vào máy rồi xay nhuyễn. Nếu hỗn hợp đặc, bạn có thể cho thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Về việc nên cho bao nhiêu bơ, bao nhiêu trái cây sẽ tùy thuộc vào khẩu vị của bé. Nếu thích bạn có thể làm món bơ ăn dặm cho bé với 90% hoặc 50% thành phần là bơ.
Cách làm bơ ăn dặm cho bé với rau củ
Ngoài kết hợp với trái cây, bạn cũng có thể kết hợp bơ với rau củ để tạo nên món ăn bổ dưỡng và ngon miệng cho bé. Bạn có thể kết hợp bơ với một trong những loại rau củ sau:
- Đậu Hà Lan
- Bông cải xanh
- Rau chân vịt
- Bí đỏ
- Cà rốt
- Khoai lang
Cũng giống như trái cây, về số lượng trong mỗi khẩu phần, bạn có thể điều chỉnh tùy theo sở thích của bé. Đối với quả bơ, trước khi chế biến, bạn vẫn sơ chế, bỏ hạt và tách phần thịt theo hướng dẫn trên.
Một số cách chế biến bơ cho bé ăn dặm với rau củ:
- Bơ với cà rốt: Cà rốt rửa sạch, cắt nhỏ rồi đem đi hấp hoặc luộc cho mềm trong khoảng 20 phút với lửa vừa. Sau đó cho vào máy xay nhuyễn với phần thịt bơ, có thể cho thêm nước luộc cà rốt. Đổ ra chén và cho bé thưởng thức.
- Bơ với khoai lang: Khoai lang nướng chín, bỏ vỏ, đánh nhuyễn và để nguội. Sau đó trộn với bơ nghiền, thêm một chút nước luộc rau là đã có thể cho bé thưởng thức.
- Bơ với bí đỏ: Bí đỏ gọt vỏ, cắt nhỏ, hấp chín mềm và nghiền mịn rồi trộn với bơ đã nghiền nhuyễn, thêm chút nước luộc rau và trộn đều.
Cách làm sinh tố bơ cho bé ăn dặm
Với những bé được khoảng 12 tháng, mẹ có thể thử những cách làm sinh tố bơ đơn giản bằng cách kết hợp 2 – 3 loại rau củ với sữa chua. Dưới đây là một số cách kết hợp phổ biến:
- Bơ kết hợp với chuối, rau chân vịt và sữa chua
- Bơ kết hợp chuối, đào và xoài
- Bơ kết hợp với chuối và dâu tây.
Còn nếu bạn tập cho bé ăn dặm theo phương pháp tự chỉ huy, bạn có thể cắt bơ thành từng miếng nhỏ. Cụ thể, mẹ cũng sơ chế quả bơ theo cách trên nhưng thay vì xay hoặc nghiền nhuyễn, bạn có thể cắt thành từng miếng nhỏ, dài để bé dễ cầm.
“Bí kíp” để có món bơ ăn dặm ngon cho bé
Chọn được quả bơ ngon và chất lượng là một trong những yếu tố quyết định giúp bạn có món bơ ăn dặm cho bé ngon. Hello Bacsi mách bạn một số bí quyết nhỏ để lựa được một trái bơ ngon chế biến cho bé.
Nếu bạn muốn chế biến ngay thì có thể chọn những quả bơ già, vừa chín tới. Những quả bơ có màu xanh, lấm tấm vàng thường sẽ là bơ sáp, có thịt dẻo, béo hơn so với bơ có vỏ màu tím:
- Chọn những quả bơ căng đều, cầm lên thấy nặng tay, chắc không bị ọp. Khi lắc có thể nghe tiếng hạt lúc lắc nhẹ bên trong. Bạn có thể dùng tay ấn nhẹ phần cuống, thấy hơi mềm thì chọn, phần đuôi quả bơ còn cứng thì có thể chín dần sau 1 đến 2 ngày.
- Những quả bơ có cuống màu xanh thường là bơ còn non, còn nếu chuyển sang nâu sậm thì bơ đã chín, thậm chí chín quá nên tốt nhất mẹ nên chọn những quả có cuống màu hơi vàng
- Không chọn những quả mềm nhũn vì có thể đã bị nẫu, có mùi khó ăn.
Khi dùng bơ chế biến cho bé, bạn không nên lấy quả vừa chín tới bởi bơ mới vừa chín có một chút vị đắng, bé có thể không thích. Ngoài ra, bạn nên cho bé ăn bơ tươi thay vì nấu chín vì nấu lên sẽ làm mất khá nhiều chất dinh dưỡng của bơ.
Nếu mua bơ chưa chín thì sau khi mua về, để bơ nhanh chín, bạn có thể cho vào một chiếc túi tối màu cùng với 1 quả chuối hoặc táo. Điều này sẽ giúp giải phóng khí ethylene giúp bơ nhanh chín hơn.
Bảo quản bơ cho bé ăn dặm như thế nào để không mất dinh dưỡng?
Đối với bơ nghiền, mẹ có thể múc hết phần thịt bơ cho vào hộp hoặc túi zip, sau đó thêm 1 ít nước cốt chanh. Dầm nát bơ để nước cốt chanh thấm vào, đậy kín và cho vào tủ đông.
Tùy vào lượng bơ nhiều hay ít mà bạn có thể cho lượng nước cốt chanh phù hợp. Nước cốt chanh có thể giúp bơ giữ được màu sắc, chất dinh dưỡng và không làm mất vị của bơ sau khi rã đông.
Đối với bơ nguyên trái, bạn có thể cắt đôi quả bơ, bỏ hạt và cho vào túi zip, sau đó thêm 1 ít nước cốt chanh để bơ không bị hỏng. Nếu được, bạn hãy hút hết không khí trước khi kéo khóa lại.
Có nên cho bé ăn bơ mỗi ngày? Bé ăn bơ có bị dị ứng?
Nhiều mẹ thắc mắc có nên cho bé ăn bơ mỗi ngày không. Thực tế, không có câu trả lời chính xác về việc nên cho bé ăn bao nhiêu bơ, bạn có thể cho bé ăn mỗi ngày nhưng đừng cho bé ăn quá nhiều. Thay vào đó, bạn có thể cho bé ăn thêm những thực phẩm khác để bé làm quen dần.
Bơ cũng là thực phẩm ít khi gây nghẹn bởi có kết cấu khá mềm và dễ ăn. Tuy nhiên, dù vậy, khi cho bé ăn, nhất là nếu bé ăn theo phương pháp tự chỉ huy thì mẹ cần chú ý theo dõi.
Bé ăn bơ có bị dị ứng không cũng là thắc mắc rất thường gặp. Bơ không nằm trong danh sách thực phẩm dễ gây dị ứng nhưng bé vẫn có nguy cơ gặp phải. Triệu chứng thường gặp nhất là nổi mề đay trên da, ngoài ra còn có thể đi kèm với các triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn, sưng mặt và buồn ngủ.
Như vậy, mebauvabe đã chia sẻ đến ba mẹ những thông tin đầy đủ và chi tiết về ăn dặm với bơ cho bé đang ở độ tuổi ăn dặm. Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đây đã giúp ba mẹ hiểu được tác dụng của bơ đối với sức khỏe của bé cũng như cách làm bơ cho bé ăn dặm đầy thơm ngon và bổ dưỡng nhé!