Tam cá nguyệt thứ ba cũng là chặng đường cuối cùng của thai kỳ. Ở giai đoạn này, thai nhi tiếp tục phát triển và hoàn thiện để có thể chào đời một cách khỏe mạnh. Dưới đây là những dấu hiệu thai phát triển tốt 3 tháng cuối.
Dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh 3 tháng cuối
Tuần thứ 28: mí mắt thai nhi mở một phần
Tuần thứ 28 của thai kỳ (tương đương 26 tuần sau thụ tinh) mí mắt của thai nhi có thể mở một phần và lông mi bắt đầu xuất hiện. Hệ thần kinh trung ương của thai nhi có thể điều khiển các cử động thở và điều hòa nhiệt độ cơ thể.
Có thể bạn quan tâm:
- Giãn não thất ở thai nhi có nguy hiểm đến mẹ và bé?
- Nếu thai nhi bị Down phải làm sao? Các điều mẹ bầu cần biết
- Kể chuyện cho thai nhi và những lợi ích bất ngờ cho bé
Vào thời điểm này thai nhi có chiều dài khoảng 250 mm và nặng khoảng 1000 g.
Tuần thứ 29: thai nhi đá và duỗi người
Tuần thứ 29 của tam cá nguyệt thứ ba (tương đương 27 tuần sau thụ tinh) thai nhi có khả năng đá chân, duỗi người hoặc thực hiện các động tác ôm ghì.
Tuần thứ 30: tóc của thai nhi mọc lên
Tuần thứ 30 của thai kỳ (tương đương 28 tuần sau thụ tinh) mắt của thai nhi có thể mở to. Tóc của thai nhi cũng mọc tốt trong khoảng thời gian này. Tủy xương của thai nhi bắt đầu sản sinh hồng cầu.
Tại tuần thứ 30 của thai kỳ thai nhi có chiều dài khoảng 270 mm và nặng khoảng 1300 g.
Tuần thứ 31: giai đoạn tăng cân nhanh bắt đầu
Tuần thứ 31 của thai kỳ (tương đương 29 tuần sau thụ tinh) thai nhi đa phần đã hoàn thành xong những bước phát triển chủ yếu. Bây giờ là giai đoạn sẽ tăng cân thật nhanh!
Tuần thứ 32: thai nhi tập thở
Tuần thứ 32 của thai kỳ (tương đương 30 tuần sau thụ tinh) móng chân của thai nhi đã có thể nhìn thấy được.
Lớp lông tơ mềm trên người thai nhi vốn tồn tại trong vài tháng vừa qua bắt đầu rụng đi.
Tại tuần thứ 32 của thai kỳ thai nhi có chiều dài khoảng 280 mm và nặng khoảng 1700 g.
Tuần thứ 33: thai nhi cảm nhận được ánh sáng
Tuần thứ 33 của thai kỳ (tương đương 31 tuần sau thụ tinh) đồng tử của thai nhi có thể thay đổi kích thước để đáp ứng lại các kích thích ánh sáng. Xương của thai nhi chắc khỏe hơn, tuy nhiên xương sọ của thai nhi vẫn mềm và dễ uốn.
Tuần thứ 34: móng tay thai nhi mọc dài ra
Tuần thứ 34 của thai kỳ (tương đương 32 tuần sau thụ tinh) móng tay của thai nhi đã phát triển trùm kín đầu ngón tay.
Tại thời điểm này thai nhi có chiều dài khoảng 300 mm và nặng khoảng 2100 g.
Tuần thứ 35: da thai nhi mịn và có màu hồng
Tuần thứ 35 của thai kỳ (tương đương 33 tuần sau thụ tinh) da của thai nhi trở nên mịn và có màu hồng. Tay và chân thai nhi giờ trông khá mũm mĩm, đây là những dấu hiệu thai nhi phát triển tốt ba tháng cuối mẹ có thể yên tâm.
Tuần thứ 36: thai nhi chiếm phần lớn không gian túi ối
Tuần thứ 36 của thai kỳ (tương đương 34 tuần sau thụ tinh), thai nhi giờ đã lớn, khiến tử cung trở nên chật hẹp so với thai nhi, tuy nhiên thai phụ vẫn cảm nhận được các cử động lăn, ngọ nguậy, ưỡn người của thai nhi.
Tuần thứ 37: thai nhi xoay đầu xuống dưới
Tuần thứ 37 của tam cá nguyệt thứ ba (tương đương 35 tuần sau thụ tinh) tay thai nhi có khả năng nắm chắc.
Để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ, thai nhi bắt đầu xoay chuyển, đầu thai nhi hướng xuống tiểu khung (để tạo thành ngôi đầu trong chuyển dạ). Nếu không phải ngôi đầu, bác sĩ sản khoa sẽ thảo luận với thai phụ về hướng giải quyết tình huống.
Tuần thứ 38: móng chân của thai nhi dài ra
Tuần thứ 38 của thai kỳ (tương đương 36 tuần sau thụ tinh) chu vi vòng đầu của thai nhi bằng chu vi vòng bụng.
Móng chân thai nhi mọc dài trùm kín đầu ngón chân. Gần như toàn bộ lớp lông tơ đã rụng hết khỏi người thai nhi.
Ở tuần thứ 38 của thai kỳ thai nhi có cân nặng khoảng 2900 g.
Tuần thứ 39: lồng ngực thai nhi phát triển hơn nữa
Tuần thứ 39 của thai kỳ (tương đương 37 tuần sau thụ tinh) lồng ngực của thai nhi tiếp tục phát triển hơn nữa. Với thai nhi nam, tinh hoàn tiếp tục di chuyển xuống dưới vào trong bìu. Mỡ phân bổ khắp cơ thể thai nhi giúp thai nhi giữ nhiệt sau khi chào đời.
Tuần thứ 40: thời điểm mẹ con gặp nhau đã đến
Tuần thứ 40 của thai kỳ (tương đương 38 tuần sau thụ tinh) là thời điểm hết thời gian mang thai ba tháng cuối, thai nhi có chiều dài khoảng 480 mm, cân nặng khoảng 3400 g, tuy nhiên mỗi thai nhi là một cá thể riêng biệt, do đó kích thước và cân nặng thai nhi chỉ là tương đối, không phải yếu tố quyết định sự khỏe mạnh của thai nhi.
Nếu không có dấu hiệu chuyển dạ vào ngày dự sinh thì cũng đừng lo lắng. Ngày dự sinh chỉ là ước đoán theo số tuần của thai kỳ là 40 tuần, do đó không có vấn đề gì nếu không chuyển dạ vào ngày dự sinh. Và tất nhiên trên thực tế có thể xảy ra chuyển dạ vào trước hoặc sau ngày dự sinh, chuyện đó hoàn toàn bình thường!
Tuần thứ 41 và 42
Thai kỳ bình thường cho phép chuyển dạ sau 40 tuần, cụ thể là chuyển dạ ở tuần thứ 41 và 42. Nếu sau 42 tuần là bất thường, và sẽ có nhiều nguy cơ biến chứng cho thai nhi. Trong tình huống này bác sĩ sản khoa sẽ tư vấn, thảo luận với thai phụ và ra chỉ định phù hợp.
Để quá trình sinh diễn ra thuận lợi, trong những tháng cuối, bà bầu nên khám thai thường xuyên để theo dõi tình trạng nước ối, nhịp tim thai nhi, cân nặng, ngôi thai để có những can thiệp kịp thời nếu có bất thường xảy ra.
Mặc dù ở giai đoạn cuối thai kỳ ít biến chứng hơn nhưng mẹ bầu vẫn cần lưu ý đến những dấu hiệu khác lạ của cơ thể.
3 dấu hiệu ở 3 tháng cuối thai kỳ báo hiệu thai nhi đang không ổn
Ngứa da ngày càng nghiêm trọng
Mặc dù nguyên nhân ngứa da là do sự thay đổi hormone khi mang bầu, tuy nhiên nếu ở 3 tháng cuối thai kỳ mẹ thấy tình trạng này ngày một nghiêm trọng hơn thì cần phải lưu ý. Nguyên nhân lúc này đôi khi không chỉ là do sự thay đổi hormone trong cơ thể mà còn có thể bị ảnh hưởng do nồng độ đường trong máu và việc bài tiết độc tố trong cơ thể.
Khi nhận thấy tình trạng ngứa da nghiêm trọng, mẹ nên báo bác sĩ hoặc đến bệnh viện kiểm tra những chỉ số liên quan đến sức khỏe để đảm bảo an toàn nhất và kịp thời phát hiện bệnh nếu có.
Bất thường ở chuyển động của thai nhi
Chuyển động của thai nhi là một trong những dấu hiệu để mẹ biết được tình hình con yêu trong bụng có đang khỏe mạnh hay không, đặc biệt là ở giai đoạn cuối thai kỳ khi những chuyện động này đã rất rõ ràng. Chính vì vậy các bác sĩ luôn nhắc nhở mẹ cần theo dõi chuyển động của thai nhi thường xuyên.
Nếu mẹ bỗng nhận thấy thai nhi chuyển động nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường thì đây có thể là dấu hiệu báo thai nhi đang không ổn. Việc đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe thai kỳ lúc này là cần thiết.
Mẹ bầu có thể tự đếm chuyển động của thai nhi (từ tuần 28 thai kỳ) theo cách sau:
– Mỗi buổi sáng, trưa, tối, mẹ nên dành thời gian đếm cử động của bé sau mỗi bữa ăn vì mức đường huyết sau bữa ăn cao, thai nhi cũng sẽ tràn đầy năng lượng và hoạt động nhiều hơn. Thời gian đếm tốt nhất là từ 8-9h, 13-14h và 20-21h.
– Khi đếm chuyển động của thai nhi, mẹ hãy ngồi yên hoặc nằm nghiêng, đếm trong vòng 1 giờ mỗi lần, sau đó nhân số lần chuyển động của 3 lần với 4 giờ sẽ được tổng cộng số chuyển động của bé trong 12 giờ.
Đau bụng hoặc ra máu
Với sự tăng trưởng và phát triển liên tục của thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 3 thì đau bụng là triệu chứng không thể tránh khỏi nhưng nếu những cơn đau này xuất hiện thường xuyên đến mức mẹ không thể chịu đựng được thì phải đến bệnh viện kịp thời vì đây có thể là dấu hiệu mẹ sắp sinh nở hoặc em bé đang có vấn đề.
Có thể bạn quan tâm:
- Siro ho cho bé và những lưu ý lựa chọn phù hợp nhất
- Trẻ sơ sinh bị nấc và những biện pháp trị nấc cực nhanh gọn
Những dấu hiệu thai nhi khỏe mạnh 3 tháng cuối để giúp mẹ an tâm chuẩn bị chào đón bé yêu. Trường hợp xuất hiện những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ sẽ giúp mẹ đảm bảo hơn an toàn cho cả mẹ bầu và em bé. Vì vậy, nếu nhận thấy những dấu hiệu này ở giai đoạn cuối mang thai, mẹ nên đến bệnh viện hoặc gọi điện báo cho bác sĩ chuyên khoa. Các mẹ bầu nếu quan tâm đến những thông tin liên quan đến sức khỏe mẹ bầu, dấu hiệu sắp sinh, máu báo thai, chăm sóc trẻ sơ sinh,… theo dõi website chúng tôi nhé.
Tổng hợp: mebauvabe.net