Tiêm thuốc tránh thai là cách ngừa thai có thể đạt hiệu quả đến 99%. Thế nhưng, nhiều chị em vẫn còn lo ngại không biết có nên tiêm thuốc tránh thai, tiêm thuốc tránh thai có an toàn không.
Tiêm thuốc ngừa thai hay chích thuốc ngừa thai là cách tránh thai phổ biến, hiệu quả bên cạnh các phương pháp ngừa thai khác như tính ngày quan hệ an toàn, dùng bao cao su, uống thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai…. Bạn đang có ý định áp dụng cách tránh thai này nhưng vẫn còn rất nhiều thắc mắc?
Nếu vậy, xem ngay những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để hiểu thêm về việc tiêm thuốc tránh thai cũng như phần nào có câu trả lời cho một số băn khoăn thường gặp như tiêm thuốc tránh thai bao lâu thì quan hệ được, tiêm thuốc tránh thai vào thời điểm nào, tiêm thuốc tránh thai có hại không…
Tiêm thuốc tránh thai có an toàn không?
Tiêm thuốc tránh thai là biện pháp tránh thai tạm thời bằng cách dùng thuốc dạng tiêm có chứa hormone progestin. Phương pháp ngừa thai này được thực hiện mỗi 3 tháng một lần, dưới dạng tiêm bắp, hoặc tiêm dưới da thường là ở tay hoặc ở mông.
Có thể bạn quan tâm:
- Uống thuốc tránh thai hàng ngày có hại không? Tác dụng phụ?
- Tổng hợp các loại thuốc tránh thai hiệu quả trên thị trường
- Hướng dẫn cách uống thuốc tránh thai hàng ngày đúng cách
Khi được tiêm vào cơ thể, hormone progestin có tác dụng ức chế quá trình rụng trứng, đồng thời, dời cửa sổ làm tổ của trứng, khiến chất nhầy cổ tử cung dày hơn để tinh trùng không thể đi qua và không thể gặp được trứng. Và từ đó, ngăn cản việc thụ thai.
Nếu so với các biện pháp ngừa thai khác, chích thuốc ngừa thai được xem là phương pháp tránh thai tiện lợi, hiệu quả với thời gian tác dụng dài. Đây cũng là cách tránh thai an toàn và hiếm khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Ngoài ra, tiêm thuốc tránh thai cũng:
- Không ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con. Nếu có ý định mang thai, bạn chỉ cần ngừng dùng thuốc.
- Không ảnh hưởng đến việc cho con bú, không gây ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra và cũng không gây hại cho bé.
- Không tương tác với những thuốc khác, không gây phù, rối loạn huyết áp, mạch, không ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
- Không cần phải uống thuốc mỗi ngày hoặc trước hay sau khi quan hệ.
- Có khả năng tránh thai cao, hiệu quả có thể đạt đến 96% nếu tiêm đúng lịch.
Có những loại thuốc tiêm tránh thai nào?
Thuốc tiêm tránh thai chỉ có chứa progestin có 2 loại chính:
- Depo Provera hay DMPA: Hiệu quả ngừa thai đạt khoảng 94 – 99% và kéo dài khoảng 13 tuần. Ngoài tác dụng ngừa thai, Depo-Provera còn sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung và chảy máu tử cung bất thường.
- Noristerat: Khác với DMPA, hiệu quả của thuốc tiêm tránh thai Noristerat chỉ kéo dài khoảng 8 tuần. Tuy nhiên, khả năng sinh sản có thể trở lại nhanh hơn sau khi ngừng dùng thuốc, thường là khoảng 3 tháng.
Ở Việt Nam, DMPA hiện là thuốc được dùng phổ biến nhất, được phép và khuyến khích dùng từ năm 1990 đến nay và đã triển khai ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tiêm thuốc tránh thai vào thời điểm nào là tốt nhất?
- Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, thời điểm tiêm tốt nhất là vào những ngày hành kinh (trong khoảng 7 ngày từ khi có kinh).
- Đối với trường hợp phá thai hoặc sảy thai thì nên tiêm sau đó khoảng 7 ngày để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Bởi sau phá thai hoặc sảy thai, cơ thể bạn sẽ khá suy yếu, nếu chích thuốc ngừa thai sẽ dễ gặp biến chứng.
- Đối với phụ nữ sau sinh và cho con bú thì nên tiêm sau 6 tuần. Còn nếu không cho con bú thì có thể tiêm sau 3 tuần kể từ khi sinh.
Tiêm thuốc tránh thai bao lâu thì quan hệ được?
Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ phụ thuộc vào việc bạn tiêm thuốc tránh thai vào thời điểm nào. Nếu bạn chích thuốc ngừa thai:
- Trong vòng 7 ngày kể từ ngày có kinh đầu tiên: Hiệu quả tránh thai có thể có ngay trong suốt chu kỳ đó và bạn không cần kiêng quan hệ ngày nào.
- Những thời điểm khác trong chu kỳ kinh nguyệt: Cần tránh quan hệ hoặc nếu quan hệ thì cần sử dụng thêm các biện pháp ngừa thai khác như dùng bao cao su trong 7 ngày kế tiếp sau tiêm.
Nếu lần tiêm thứ hai đúng ngày hẹn thì không cần kiêng quan hệ trong suốt chu kỳ đó.
Tiêm thuốc tránh thai có ảnh hưởng gì không?
Dù được đánh giá là an toàn nhưng đã là thuốc thì vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Đa phần, các tác dụng phụ này chỉ xuất hiện trong lần tiêm đầu và chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 tháng đến khi cơ thể quen dần với thuốc.
Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp khi chích thuốc ngừa thai:
1. Mất kinh hay vô kinh
Do niêm mạc tử cung không phát triển dày lên và bong ra nên không có hiện tượng kinh nguyệt. Nhìn chung, các thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt là tác dụng phụ phổ biến nhất.
2. Rong kinh, rong huyết
Trong 3 tháng đầu, triệu chứng đặc trưng là thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày và máu kinh ra nhiều, đôi khi rỉ rả. Đây là tác dụng phụ phổ biến, khiến nhiều chị em không biết tiêm thuốc tránh thai bị rong kinh phải làm sao.
Với trường hợp này, tốt nhất, bạn nên quan sát, nếu tình trạng này kéo dài và xuất hiện ở những lần tiêm sau thì nên đi khám. Trong thời gian quan sát, bạn nên chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu sắt hoặc uống thuốc bổ sung sắt để tránh tránh thiếu máu do thiếu sắt.
3. Tăng cân
Tiêm thuốc tránh thai có mập không? Thuốc tránh thai có thể gây tăng cân nhanh, thậm chí có thể tăng 5% cân nặng trong 6 tháng. Theo khảo sát, có tới 25% phụ nữ tăng tới 10kg sau 3 năm.
4. Loãng xương tạm thời
Phụ nữ chích thuốc ngừa thai có thể bị loãng xương tạm thời. Thời gian dùng càng lâu thì nguy cơ loãng xương càng cao. Tuy nhiên, mật độ xương sẽ trở lại sau khi ngừng dùng thuốc.
Do đó, để bảo vệ xương, bạn nên tập thể dục thường xuyên, chú ý bổ sung canxi thông qua thực phẩm hoặc viên uống bổ sung, tránh hút thuốc, uống rượu bia.
5. Các tác dụng phụ khác
- Nhức đầu
- Căng thẳng
- Nổi mụn
- Lông, tóc phát triển nhanh
- Rụng tóc.
Ngưng tiêm thuốc tránh thai bao lâu thì có thai?
Thuốc tiêm tránh thai chỉ là biện pháp ngừa thai tạm thời và hoàn toàn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Thời gian có thai lại sau khi ngừng tiêm là khác nhau ở mỗi người (trên lý thuyết thuốc tác dụng bảo vệ 12 tuần). Sau khi ngừng, sẽ mất một khoảng thời gian để chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường, có thể mất 10 hoặc thậm chí 18 tháng kể từ lần tiêm cuối.
Trung bình, có thể mất 6 tháng để bạn có thể thụ thai, có trường hợp khoảng 1 năm và thậm chí có trường hợp 18 tháng mới có thể có thai trở lại.
Có thể bạn quan tâm:
- Bệnh Sởi và tất tần tật những thông tin bạn cần biết
- Canxi cho bé: Bổ sung đúng cách theo gợi ý của chuyên gia
Nếu tiêm muộn phải làm sao?
Nếu chích thuốc ngừa thai trễ theo lịch, bạn vẫn sẽ có khả năng mang thai và điều này còn tùy thuộc vào khoảng thời gian trễ của bạn là bao lâu.
Sau lần tiêm cuối, lần tiêm sớm nhất bạn có thể tiêm là sau 10 tuần và trễ nhất là 15 tuần. Nếu bạn tiêm sau 15 tuần thì cần sử dụng bao cao su trong tuần đầu tiên sau khi tiêm lại.
Nếu quan hệ mà không sử dụng bao cao su trước khi tiêm hơn 15 tuần, bạn nên uống thuốc tránh thai khẩn cấp để ngừa thai. Ngoài ra, bạn cần thử thai để xác định mình không có thai trước khi tiêm mũi tiếp theo.
Ai không nên tiêm?
Thuốc tiêm tránh thai không được khuyến khích sử dụng cho các trường hợp:
- Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân
- Mắc bệnh gan
- Bệnh đái tháo đường
- Chẩn đoán ung thư vú
- Mắc bệnh lupus
- Mắc bệnh tim hoặc đột quỵ
- Dưới 16 tuổi.
- Có ý định mang thai trong 6 tháng tới
Trên đây là những thông tin cần biết về tiêm thuốc tránh thai, bạn nên lưu ý kỹ trước khi chọn hình thức này nhé! Những hình thức tránh thai này đôi khi sẽ không hiệu quả 100% và còn nhiều tác dụng phụ, nên cần lưu ý kỹ trước khi sử dụng.
Tổng hợp: mebauvabe.net